Bàn về Tứ Đức

Yếu tố nhân duyên trong tử vi

Vòng Thái Tuế là thời kỳ quan trọng trong đời sống, nhưng thành công hay thất bại lại phụ thuộc vào lực Thiên Mã. Tuy nhiên, cuộc sống không chỉ đơn thuần là cuộc chiến giành thắng lợi, mà còn có yếu tố nhân duyên.

Nhân duyên tốt mang lại cuộc sống thuận lợi khi gặp được người tốt, còn nhân duyên xấu có thể không gặp ai hoặc gặp người mang đến rắc rối. Bốn sao Hồng Hỉ Thiên Nguyệt Đức luôn có sự tương đồng với ba sao Thiên Không, Đào Hoa và Kiếp Sát, tạo nên sự kết hợp độc đáo của thế tiền và hậu Thái Tuế.

Lý tính mâu thuẫn của Thiên Không và Thiếu Dương

Tín hiệu thiên văn cho biết “ước mơ, hi vọng. Đối kháng, xui xẻo. Khả năng truyền thông, khuynh hướng tâm linh.” Thiên Không đứng ở vị trí quan trọng trong bài toán thiên văn với hai tín hiệu hoàn toàn mâu thuẫn. Vì vậy, vị trí này thể hiện sự mâu thuẫn nội tâm. Về mặt lý thuyết, vị trí này nằm ngay cạnh và phía trước Thái Tuế, tương tự như người nắm vững thông tin. Nhưng khi nắm vững thông tin và đối mặt với sự mâu thuẫn nội tâm, có thể tạo ra hai tình huống cực đoan trái ngược nhau:

  • Sử dụng kiến thức để mưu đồ danh lợi.
  • Hiểu rõ rằng mọi danh lợi đều chỉ là giả dối.

Tên gọi Thiếu Dương chỉ phản ánh tính “ngộ”, nhưng chúng ta cần thêm một sao khác để kí hiệu tính chất “mưu đồ danh lợi”. Đó chính là Thiên Không. Vì chứa hai khuynh hướng mâu thuẫn trong cùng một vị trí, Thiên Không/Thiếu Dương trở thành vị trí thường gặp sự thành bại, dễ xảy ra tình huống lên voi xuống chó.

Long Đức là sao dung hợp của sự mâu thuẫn, yêu cầu sự dung hòa. Điều này chỉ đạt được thông qua việc tu tâm dưỡng tính.

Lý tính các sao “nhân duyên”

  • Thiên Không = Bản năng (dương, tượng trai tứ chiếng)
  • Đào Hoa = Dục vọng tầm thường (âm, tượng gái giang hồ)
  • Thiếu Dương = Thánh tính (dương, tượng nhà tu hoặc đạo sĩ)
  • Kiếp Sát = Băng Tâm sát (âm, ứng sự tàn nhẫn, vô tình, khắc bạc, phản bội)
  • Thiên Hỉ = Tình cảm dương (dương, tượng chú rể)
  • Hồng Loan = Tình cảm âm (âm, tượng cô dâu)
  • Thiên Đức = Đức tính của phái nam (dương, ứng nghĩa chồng)
  • Nguyệt Đức = Đức tính của phái nữ (âm, ứng nghĩa vợ)
  • Long Đức = Đức bao dung (dương, ứng sự tu tâm dưỡng tính)
  • Phúc Đức = Đức ban phát (âm, ứng hậu duệ, con cái, thành tựu)
  • Cô Thần = Sự cô độc của phái nam (dương)
  • Quả Tú = Sự cô độc của phái nữ (âm)

Thiên Không/Thiếu Dương và Tứ Đức: Cung có tứ đức hội họp là cung chứa Thiên Không.

  1. Nếu Thiên Không và đồng đảng lấn thắng: ứng với nhân duyên nghiệp chướng.
  2. Nếu Thiếu Dương và tứ đức lấn thắng: ứng với sự tỉnh ngộ, tu hành.

Tam Minh và tam đức

Có thể thấy 2 bộ tam minh và tam đức phối hợp lại thành hình ảnh một cặp trai gái yêu nhau rồi kết duyên thành nghĩa vợ chồng, được trời cho con cái đẹp đẽ; tức là nhân duyên mỹ mãn.

Năm Dương: Hỉ vốn xung chiếu Hồng, lại hợp với tam đức và Đào Hoa; thành thử vị trí Thiên Hỉ có đủ tam minh và tam đức. Hồng Loan thì lạc lõng, chỉ hợp với Long Đức. Như vậy, năm dương tính dương được hưởng nhân duyên, tính âm chịu phần thua thiệt. Năm dương lợi cho nam hơn là cho nữ.

Năm Âm: Ngược lại. Vị trí Hồng Loan hội đủ tam Minh, tam Đức. Thiên Hỉ thì lạc lõng, chỉ hợp Long Đức. Như vậy, năm âm tính âm dược hưởng nhân duyên, tính dương chịu phần thua thiệt.

Tuổi Tứ đào hoa: Tý Ngọ Mão Dậu

Thiên Không độc thủ Thìn Tuất Sửu Mùi. Tuổi Dương Đào Hỉ đồng cung, đắc tam minh tam đức; tuổi âm hợp đào hồng cùng cung, đắc tam minh tam đức.

Diễn giải: Thiên Không/Thiếu Dương thường ứng với sự không chân thật, vì tình huống này khá mâu thuẫn giữa bản năng và thánh tính. Đào Hoa ở vị trí đắc tam Minh, tam Đức nên công hiệu rất mạnh. Cả hai vị trí Hồng và Hỉ đều có tam Min, tức là có ý nghĩa về nhân duyên (hoặc nghiệp chướng).

Kết quả: Trung bình thì tuổi tứ đào hoa có nhiều duyên và nợ hơn các tuổi khác.

Tuổi Tứ Mộ: Thìn Tuất Sửu Mùi

Thiên Không/Thiếu Dương ở Dần Thân Tỵ Hợi, cùng cung Kiếp Sát Cô Thần; tuổi dương thêm Hỉ chính cung Hồng chiếu; tuổi âm ngược lại. Đặc biệt, Thiên Không/Thiếu Dương cũng là vị trí hội họp đủ tam Minh, tam Đức; Đào Hoa thì cùng cung với Nguyệt Đức, ứng với dục vọng đã được hóa giải. Sao lạc lõng (Hồng năm dương, Hỉ năm âm) thì cùng cung với Long Đức, nên việc tu tâm dưỡng tính dễ thành.

Diễn giải: Đây là hoàn cảnh duy nhất mà các sao dính líu đến duyên nghiệp (Đào Hồng Hỷ Sát) chế hóa lẫn nhau, tạo cơ hội cho Tứ Đức tiếp tay với Thiếu Dương, lấn át Thiên Không. Nhờ vậy, vị trí Thiên Không (lẽ ra trong trường hợp này phải gọi là Thiếu Dương) ứng với sự bao dung, hòa nhã. Đây giống như khung cảnh của một ngôi chùa, rất thích hợp cho sự tu tâm dưỡng tĩnh. Tuy nhiên, thành tựu của người tu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Kết quả: Tuổi tứ mộ dễ có cơ hội tu tâm dưỡng tính hơn các tuổi khác.

Tuổi tứ mã: Tức sinh các năm Dần Thân Tỵ Hợi

Thiên Không cùng cung với Đào Hoa ở Tý Ngọ Mão Dậu. Sức mạnh của Đào Hoa phụ thuộc vào Thiên Không, khiến Thiếu Dương trở nên không đáng kể. Thiên Không – Đào Hoa thành lực áp đảo. Thiên Không được ví như trai tứ chiếng, Đào Hoa được ví như gái giang hồ; ở cùng một chỗ dễ có chuyện mèo mả gà đồng hơn là nhân duyên tốt đẹp. Năm Dương (Dần Thân) thì Hồng Loan gặp cô quả là bất hạnh, năm âm sự bất hạnh ấy lại đến với Thiên Hỉ.

Diễn giải: Sức mạnh của dục vọng (Đào Hoa) khiến bản năng (Thiên Không) thắng thánh tính (Thiếu Dương, Tứ Đức). Vị trí Thiên Không có sự xung động mạnh mẽ, xấu nhiều và tốt ít. Vị trí thua thiệt (Hồng năm dương, Hỉ năm âm) khi gặp Cô Quả càng thua thiệt hơn.

Kết quả: Hoặc ham hố đam mê quá độ (Đào Không) hoặc cảm thấy cô đơn (Hồng hoặc Hỉ gặp Cô Quả), đều là những cảnh cực đoan. Trung bình thì tuổi tứ mã dễ gặp nhiều xung đột hơn các tuổi khác.

Được tham khảo từ Trang hoc-tuvi.blogspot.com