Buông bỏ: Bí quyết hạnh phúc và an lành trong cuộc sống

Có những lúc, chúng ta không thể buông bỏ những điều khiến chúng ta đau khổ như tình yêu, tình bạn, những khó khăn, tổn thương… Việc này khiến cuộc sống của chúng ta không được hạnh phúc, mà quanh quẩn trong bế tắc, mệt mỏi. Vậy làm thế nào để biết cách buông bỏ, giúp cuộc sống trở nên an lành, hạnh phúc? Đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé!

Buông bỏ là gì?

Buông bỏ không chỉ đơn giản là từ bỏ những thứ dính mắc, tham đắm, lưu luyến; mà trong đạo Phật, buông bỏ chính là tu. Và cái khiến con người dính mắc nhiều nhất chính là “ái”.

“Ái” là gì?

“Ái” chính là cảm xúc yêu/ghét. Trên đời này, cái gì cũng khiến chúng ta ái được. Ví dụ, chúng ta ái cha mẹ, bạn bè… hay ái con chó, con mèo, ái phim ảnh, điện thoại…vv

Con vật cũng khiến chúng ta có cảm xúc yêu quý
Con vật cũng khiến chúng ta có cảm xúc yêu quý (ảnh minh họa nguồn internet)

Khi chúng ta tiếp xúc với một người/vật nào đó thì sẽ sinh ra cảm thọ (cảm giác), từ cảm thọ sẽ sinh ra ái rồi muốn chiếm hữu, nắm giữ. Ví dụ, khi ăn kem, chúng ta cảm nhận được vị ngon của que kem, nên chúng ta bắt đầu có cảm thọ thích thú, ái que kem và muốn có nó, muốn có thêm một que nữa để ăn tiếp (tức là “thủ” – sở hữu).

Học cách buông bỏ để được hạnh phúc, an vui, giải thoát

Chúng ta nên biết, tâm “ái” là sợi dây xích, trói chặt tất cả chúng ta mà Đức Phật gọi đó là giọt mật ở trên lưỡi dao. Mặc dù lưỡi dao sắc bén, nguy hiểm là thế nhưng chúng ta vẫn ham muốn, bất chấp mà thè lưỡi, liếm giọt mật trên đó. Tâm ái này cũng có những niềm vui, mà Đức Phật gọi là vị ngọt của dục, khiến chúng ta say mê.

Tâm “ái” sẽ mang đến vị ngọt của dục
Tâm “ái” sẽ mang đến vị ngọt của dục, khiến chúng ta say mê (ảnh minh họa nguồn internet)

Thế nhưng, “dục” càng nhiều thì càng khổ đau, phiền não. “Dục” như cái thùng không đáy, đổ bao nhiêu cũng không vừa; “dục” cũng như người đang khát mà uống nước muối, không bao giờ thỏa mãn, uống nước muối lại càng khát hơn; cho nên dục không giảm.

Đức Phật cũng dạy rằng, vòng luân hồi sinh tử bắt nguồn từ tâm ái luyến, dính mắc, chấp trước. Duyên ái và duyên thủ (chiếm hữu) là một trong những duyên quan trọng nhất và có thể dễ trừ bỏ nhất.

Vì thế, chúng ta cần phải nhận diện được tâm ái để đoạn trừ, buông bỏ. Chúng ta không nên để tâm mình mê đắm, dính mắc vào bất cứ thứ gì. Đó chính là tư tưởng của người tu chân chính, muốn thoát khổ, muốn đi đến giác ngộ, giải thoát triệt để.

Hãy tư duy và thực tập buông bỏ những ái luyến, dính mắc, để cuộc sống của chúng ta trở nên nhẹ nhàng, bình an và hạnh phúc.