Bên cạnh các ngày lễ trong tháng 10 thường được nhắc tới như Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) và Halloween (31/10), ngày 10/10 Âm lịch và Dương lịch hàng năm cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng về chính trị, xã hội, và tín ngưỡng mà nhiều người vẫn chưa biết đến. Chính vì vậy, bài viết này sẽ giúp bạn làm rõ ngày 10/10 là ngày gì và ý nghĩa của ngày này. Hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!
Contents
Ngày 10/10 là ngày gì theo Dương lịch?
Ngày giải phóng Thủ đô
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chiến, khôi phục hòa bình ở Đông Dương được ký kết tại Thụy Sĩ vào ngày 20 tháng 7/1954. Sau đó, các hiệp định về việc trao trả Hà Nội cho Việt Nam được ký kết vào ngày 30/9 và 2/10 năm 1954 tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương.
Theo nghị quyết của Hội đồng Chính phủ ngày 17/9/1954, Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội chính thức được thành lập và thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý thành phố. Trung ương Đảng và Chính phủ đã tin tưởng lựa chọn sư đoàn Quân Tiên phong làm đơn vị tiếp quản và trực tiếp quản lý Hà Nội.
Sáng 8/10/1954, bộ đội chúng ta chia thành nhiều đường tiến vào ngoại thành Hà Nội, từ Hà Đông về Ngã Tư Sở, Đê La Thành, Bạch Mai, Vĩnh Tuy, Ô Cầu Giấy, Nhật Tân và Kim Mã. Sau đó lại nhanh chóng chia quân để từ ngoại thành tiến vào nội thành theo 5 cửa ô chính và tỏa đi khắp nơi. Từ sáng ngày 9/10/1954, quân ta lần lượt tiếp nhận Nhà ga Hà Nội, Phủ Toàn quyền cũ, khu Đồn thủy, Bờ Hồ, Bắc Bộ phủ và nội thành Hà Nội. Đến 16 giờ cùng ngày thì quân đội Pháp đã di chuyển đến phía Đông cầu Long Biên và hoàn toàn rời khỏi Hà Nội, quân ta chính thức nắm quyền kiểm soát toàn bộ Hà Nội sau 30 phút.
Sang buổi sáng ngày 10/10/1954, nhân dân thủ đô Hà Nội trong trang phục chỉnh tề, mang theo ảnh Bác Hồ, hoa tươi, dựng thêm nhiều cổng chào và giăng các khẩu hiệu rực rỡ, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới dọc theo con đường tiến vào nội thành. Đại quân ta chia thành nhiều cánh tiến vào nội thành Hà Nội và tập kết lại với nhau vào lúc 15 giờ chiều. Sau lễ chào cờ, thiếu tướng Vương Thừa Vũ đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Quân chính đã trịnh trọng đọc Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đây, ngày 10/10 Dương lịch hằng năm được chọn làm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Mặc dù đã trôi qua gần 70 năm, thế nhưng mỗi khi nhắc lại sự kiện giải phóng Thủ đô Hà Nội ngày 10/10/1954 thì mỗi người dân Việt Nam đều bồi hồi nhớ lại những ngày tháng chiến đấu cực khổ và giành chiến thắng hào hùng của dân tộc ta. Ngày Giải phóng Thủ đô chính là một bước ngoặt quan trọng để mở ra thời kỳ mới vẻ vang lâu dài trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Hà Nội, đánh dấu sự kết thúc của ách thống trị thực dân Pháp ở miền Bắc nước ta, nhân dân ta có quyền tự do làm chủ đất nước và bắt tay vào xây dựng một xã hội mới – xã hội chủ nghĩa.
Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam
Ngày 10/10/1945, sắc lệnh số 46/SL về tổ chức đoàn thể Luật sư đã được Bác Hồ thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết và ban hành, đây là sự kiện khai sinh cho ngành nghề Luật sư ở nước ta.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong nhiều năm qua đã tích cực hoạt động và đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Cho đến thời điểm hiện tại, các thế hệ luật sư đã và đang có những đóng góp vô cùng quan trọng, góp một phần sức lực to lớn vào sự nghiệp Cách mạng dân tộc Việt Nam cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước ngày càng tiến bộ, phát triển.
Vào ngày 14/1/2013, sau 68 năm từ khi Bác Hồ ký kết sắc lệnh số 46/SL về tổ chức đoàn thể Luật sư, Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc chọn ngày 10/10 Dương lịch làm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Kể từ thời điểm này, ngày 10/10 Dương lịch hằng năm đã trở thành ngày để tôn vinh hội Luật sư Việt Nam với tên gọi chính thức là Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam.
Do mang nhiều ý nghĩa lớn lao về mặt chính trị và xã hội, vào ngày 10/10 Dương lịch thì các thế hệ Luật sư Việt Nam sẽ được Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội quan tâm, hỗ trợ cũng như bày tỏ sự biết ơn. Ngoài ra, Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam hằng năm cũng là thời điểm để ghi nhận những cống hiến và sự trưởng thành, lớn mạnh của đội ngũ Luật sư ở nước ta trong năm vừa qua.
Ngày 10/10 là ngày gì theo Âm lịch?
Ngày Tết Song thập
Theo quan niệm Y học ngày xưa, cây thuốc cứ vào ngày 10/10 Âm lịch thì sẽ tụ được cả hai khí âm dương và kết được sắc tứ thời (tức là bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông), vì vậy đây được xem là thời điểm cây thuốc tốt nhất. Cũng chính vì lý do đó nên các thầy thuốc cực kỳ coi trọng ngày 10/10 Âm lịch và lấy ngày này làm ngày Tết Song thập.
Trong ngày Tết Song thập ngày nay, các nhà có truyền thống về thuốc Đông Y sẽ mở tiệc khoản đãi học trò của mình và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với bạn hàng, khách hàng lâu năm.
Ở một số vùng nông thôn, người nông dân thường thu hoạch mùa vụ lúa vào ngày 10/10 Âm lịch và để mừng mùa màng bội thu thì họ sẽ tổ chức nghi lễ cúng cơm từ phần lúa mới thu hoạch được, vì vậy họ gọi Tết Song thập là Tết Cơm mới hoặc Tết Thường tân. Đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số của Tây Bắc, người nông dân ăn mừng Tết Cơm mới cả tháng đến khi trời có mưa thì họ sẽ bắt đầu mùa vụ mới.
Các vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long cũng làm lễ vào ngày Tết Song thập. Họ đem gạo mới vừa thu hoạch xong để thổi cơm hoặc làm bánh dày, bánh tét dâng cúng tổ tiên, các vị thần linh và thần Phật để bày tỏ sự biết ơn vì đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sau nghi lễ, các món ăn đó được đem biếu người thân hoặc hàng xóm để gắn kết tình cảm giữa mọi người với nhau.
Việt Nam là đất nước có nền văn minh lúa nước lâu đời, vì vậy ngày Tết Song thập mùng 10 tháng 10 hằng năm được xem là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống và ý nghĩa mà cha ông ta để lại.
Lễ Hạ Nguyên
10/10 là ngày gì trong Phật giáo? Theo Phật giáo, hằng năm vào ngày rằm tháng Giêng (15/01 Âm lịch) là lễ Thượng Nguyên, còn mồng mười tháng mười (10/10 Âm lịch) là lễ Hạ Nguyên. Vào những ngày lễ này, chúng Phật tử sẽ cùng nhau tưởng niệm công đức và tỏ lòng thành kính với chư Phật, Bồ Tát.
Mặc dù không được tổ chức cầu kỳ và rầm rộ như các Đại Lễ khác, thế nhưng Lễ Hạ Nguyên vẫn giữ được sự thành tâm thành kính với Phật, hướng chúng Phật tử luôn ghi nhớ và giữ tâm hồn thiện lương, trong sáng.
Tổng kết
Ngày 10/10 theo Âm lịch hay Dương lịch thì đều là một ngày lễ, ngày kỷ niệm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người dân Việt Nam và cần phải được ghi nhớ như một hình thức bày tỏ sự biết ơn. Hy vọng thông qua bài viết trên đây, bạn đã biết được ngày 10/10 là ngày gì và ý nghĩa của ngày 10/10 một cách chi tiết nhất.
Dù bạn đang tìm kiếm sản phẩm gì, FPT Shop luôn sẵn lòng đáp ứng nhu cầu của bạn. Từ điện thoại, laptop đến các thiết bị gia dụng và nhiều thứ khác, FPT Shop đảm bảo mang đến cho bạn chất lượng và giá trị tốt nhất.