Cha mẹ làm gương – ‘chìa khoá’ phát triển nhân cách cho con

Trong cuộc sống hàng ngày, không ít cha mẹ tỏ ra tức giận hoặc vội vàng đánh giá con cái là “hư hỏng” khi trẻ có những biểu hiện cảm xúc tiêu cực như không chào người lớn, la hét, giành giật đồ chơi của bạn… Tuy nhiên, những hành vi này của trẻ có thể xuất phát từ việc sao chép cách ứng xử của cha mẹ.

Trong tập phim “Trẻ thấy trẻ làm theo, trẻ nghe trẻ bắt chước” thuộc chuỗi “Sinh con, sinh cha” phiên bản 2022 do các chuyên gia Generali Việt Nam và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam sản xuất, nhân vật ông bố tỏ thái độ, thậm chí, to tiếng, quát nạt nhân viên trong siêu thị khi đổi hàng. Đứa trẻ đã quan sát thái độ của cha và học theo cách phản ứng đó khi sự việc diễn ra không theo ý mình. Tuy nhiên, người bố không nhận ra điều đó và đánh giá con mình lì bướng khó bảo hơn đứa trẻ khác.

Cha mẹ nào cũng mong muốn hướng con cái đến những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng trẻ nhỏ có xu hướng học theo bản năng và bắt chước. Theo đó, trẻ nhìn thấy và học theo những gì trẻ quan sát được từ người lớn xung quanh. Do đó, muốn con lớn lên thật sự trở thành người tử tế thì mỗi việc làm, hành động của cha mẹ cũng phải thật sự tử tế.

Trên thực tế, nhiều bố mẹ không làm chủ được cảm xúc với con, cư xử thô lỗ với người xung quanh, nhưng lại yêu cầu con phải văn minh, lễ độ trước mặt người khác. Nhiều cha mẹ hay nói dối, không giữ cam kết trong khi lại muốn con luôn trung thực. Một số cha mẹ mong con không “nghiện” công nghệ, vận động nhiều hơn nhưng lúc nào cũng dán mặt vào màn hình điện thoại hay ghế sô pha.

Để cha mẹ tránh những tình huống con trẻ học theo cách hành xử không đúng mực, chương trình “Sinh con, sinh cha” gợi ý cách giúp phụ huynh điều chỉnh những hành vi tiêu cực và hướng dẫn con phát triển nhân cách tốt đẹp thông qua việc làm gương.

Trở thành người cha mẹ mà con trẻ muốn

Thứ nhất, hãy trở thành người cha mẹ mà con trẻ muốn trở thành. Cha mẹ hãy nói năng lịch sự, lễ độ, giữ thái độ nhã nhặn, biết kiểm soát cảm xúc, hạn chế sử dụng điện thoại, chăm vận động, thể thao, không nói dối vặt, không so sánh, than vãn bản thân….

Thay đổi bản thân để thay đổi con cái

Thứ hai, cha mẹ nên thường xuyên nhìn nhận lại bản thân và thay đổi. Điều này giúp phụ huynh kịp thời nhận ra xem những hành vi tiêu cực của con có xuất phát từ chính cách hành xử của cha mẹ mỗi ngày hay không để có cách điều chỉnh kịp thời. Cha mẹ đặt quyết tâm thay đổi, con cái cũng sẽ thay đổi và sẽ tiến bộ hơn.

Ảnh

Không ép buộc con làm theo ý mình

Thứ ba, cha mẹ không nên ép con làm theo ý mình. Việc cha mẹ dùng quyền lực để ép con làm theo ý mình sẽ khiến trẻ có tư tưởng chống đối, khó bảo. Cha mẹ có thể chọn cách tiếp cận tích cực hơn như: bình tĩnh trao đổi, tìm hiểu nguyên nhân, hướng dẫn cụ thể, giữ thái độ nhã nhặn, ghi nhận và khen thưởng khi trẻ làm tốt và làm gương để trẻ học theo.

Cuối cùng, không có phụ huynh nào hoàn hảo. Do đó, cũng không nên kỳ vọng sự hoàn hảo từ các con. Phụ huynh nên nhìn nhận điều này để không dán nhãn và đổ lỗi cho các hành vi tiêu cực của con để giúp trẻ khôn lớn, phát triển trong vòng tay yêu thương của gia đình.

Hồng Thảo