Cẩn tắc vô áy náy: Khám phá ý nghĩa, nguồn gốc và giai thoại

Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến thành ngữ “cẩn tắc vô áy náy”. Nó được coi là một phương châm sống của nhiều người. Tuy nhiên, có không ít người không hiểu rõ cẩn tắc vô áy náy là gì? Cũng như nguồn gốc và những câu chuyện liên quan. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về thành ngữ này qua bài chia sẻ sau đây nhé.

Cẩn tắc vô áy náy nghĩa là gì?

Cẩn tắc vô áy náy là thành ngữ đã được “Nho hóa” một nửa, bắt nguồn từ thành ngữ tiếng Trung với nguyên văn là “cẩn tắc vô ưu” (有备无患 – yǒu bèi wú huàn). Ý nghĩa cụ thể của câu thành ngữ này như sau: có sự phòng bị từ trước thì không lo gặp tai họa, hay có thể nói là lo trước thì khỏi họa. Trong tiếng Việt, chúng ta đã việt hóa thành cẩn tắc vô áy náy. Với ý nghĩa là không lo ngại về những việc đã làm.

Nguồn gốc thành ngữ cẩn tắc vô áy náy

Nguồn gốc của câu thành ngữ cẩn tắc vô áy náy thì chúng ta cần xét đến nguồn gốc câu cẩn tắc vô ưu (有备无患 – yǒu bèi wú huàn). Trong Ngụy Cổ văn Thượng thư, Thiên Duyệt Mệnh Trung đã có viết rằng: “Suy nghĩ sự việc thấu đáo. Sau đó có phòng bị. Có phòng bị rồi thì sẽ không lo gặp họa.” Hay như trong “Tả truyện – Tương Công 11 năm” cũng có ghi lại là “Sống yên ổn phải nghĩ tới ngày gian nguy, suy nghĩ ắt sẽ có phòng bị, có phòng bị thì không phải lo tai họa nữa.”

Giai thoại về thành ngữ cẩn tắc vô áy náy

Bản gốc của cẩn tắc vô áy náy là cẩn tắc vô ưu được cho là xuất phát từ một giai thoại như sau: Vào thời Xuân Thu Chiến quốc, quân vương nước Tấn là Tấn Điệu Công. Ông có thuộc hạ tên là Tư Mã Ngụy Giáng, là một vị quan nghiêm minh. Dưới sự phò trợ của Ngụy Giáng, nước Tấn ngày càng trở nên cường mạnh.

Một lần nước Trịnh xuất binh xâm lược nước Tống, nước Tống đành phải cầu cứu nước Tấn. Tấn Điệu Công đồng ý, lập tức triệu tập quân đội của 11 nước chư hầu do Tư Mã Ngụy Giáng dẫn đầu. Đội quân vây giữ kinh thành nước Trịnh, ép nước Trịnh dừng việc xâm phạm nước Tống.

Trước tình thế đó, vua Trịnh buộc phải cùng vua Tống, Tấn, Tề và 12 nước khác ký giao ước. Quốc vương nước Sở lúc bấy giờ thấy nước Trịnh ký giao ước với những nước khác thì lấy làm không vui, bèn cho quân tiến đánh nước Trịnh. Quân Sở quá mạnh, quân Trịnh không địch nổi nên đành phái sứ thần đến nước Tấn cầu viện trợ. Vua Tấn đã đồng ý, dẹp loạn chiến tranh cho Trịnh.

Sau khi đất nước bình yên trở lại, vì muốn cảm tạ ân tình nước Tấn, vua Trịnh đã dâng tặng quốc vương nước Tấn Điệu Công rất nhiều phần thưởng. Tấn Điệu Công muốn thưởng một nửa số phần thưởng này cho Ngụy Giáng nhưng bị ông từ chối. Ngụy Giáng nói với Tấn Điệu Công rằng: Quốc Vương vẫn phải suy nghĩ đến những mối nguy cơ ngay cả khi nước nhà đang yên bình. Chỉ cần cân nhắc đến điều này thì sẽ có chuẩn bị trước. Khi đó sẽ không lo chuốc lấy tai họa.

Nghe Ngụy Giáng nói, vua Tấn hiểu ý và đưa trả phần thưởng trở về nước Trịnh. Sau này, dưới sự phò tá của Ngụy Giáng, Tấn Điệu Công đưa nước Tấn thành một cường quốc hùng mạnh, phồn thịnh.

Kể từ đó, câu thành ngữ “cẩn tắc vô áy náy” (cẩn thận, có quy tắc và luật lệ) được sử dụng rộng rãi. Nhắc nhở con người phải luôn suy nghĩ trước sau, cẩn trọng, có phòng bị trước mọi việc. Lường trước những nguy cơ, kể cả khi chúng chưa xảy ra.

Hy vọng những chia sẻ trên đã giúp bạn hiểu hơn về thành ngữ “cẩn tắc vô áy náy”. Luôn cẩn trọng trước mọi việc và sống một cuộc sống an lành nhé!