Vị thế Thăng Long Hà Nội từ góc nhìn phong thủy

ho tay chieu_resize.jpg

Gần đây, trong “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, có nhiều ý kiến đóng góp cho đồ án xem xét yếu tố phong thuỷ trong quy hoạch, về bố cục trục Hoàng đạo, trục Thần đạo, trục Tâm linh…

Bàn về phong thuỷ, đề tài này có nhiều nội dung, quan điểm, trường phái và yếu tố mang tính cảm nhận và kinh nghiệm của từng nhà phong thuỷ, từng trường phái phong thuỷ trong từng thời kỳ lịch sử. Vì vậy, không dễ để có được sự cảm thông và đồng thuận của mọi người.

1- Vị thế Thăng Long – Đông Đô từ góc nhìn phong thuỷ cổ

Theo các nhà phong thuỷ, vùng đất có phong thuỷ tốt là nơi hội tụ khí thiêng của sông núi, tạo ra một môi trường sống tốt lành phong phú, kinh tế phát triển và dân cư đông đúc sản sinh ra những người tài giỏi xuất chúng, hình thành nền văn hoá riêng.

Phong thuỷ thường căn cứ vào các dòng sông và mạch núi để phân định sơn mạch. Dựa vào dáng sông thế núi, nhà phong thuỷ định vị kinh thành, đô thị, thôn xóm…

Phương đông cổ được phân định thành một số đại sơn mạch, cũng được gọi là đại can long. Có thể kể đại sơn mạch được giới định bởi sông Hoàng Hà và sông Trường Giang, bao gồm toàn bộ vùng Trung nguyên. Đại sơn mạch được coi là hình thái phong thuỷ đặc trưng tạo nên nền văn hoá sông Hoàng vĩ đại của Trung Quốc.

Đối với Việt Nam, bao gồm cả nam Trung Hoa và Lào, nằm trong đại sơn mạch được định hình bởi sông Trường Giang và sông Mê Kông. Đồng bằng Bắc bộ nằm trong trung tâm của đại sơn mạch này và Thăng Long là đại huyệt vị chính yếu. Thăng Long có đồng bằng Bắc bộ và biển Đông, tạo thành một nơi lý tưởng cho “phong tàng thuỷ tụ”.

Vào thời Đại Việt, đồng bằng sông Cái rộng lớn và dân cư đông đúc, tạo điều kiện cho mảnh đất Thăng Long trở thành “đệ nhất đại huyệt mạch đế vương quí địa”. Trong Chiếu dời đô của Vua Lý Thái Tổ năm 1010, nơi này được xác định là “khu vực giữa trời đất, có được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính vị đông tây nam bắc, tiện nghi phía trước là sông phía sau là núi. Khu vực này rộng rãi bằng phẳng, đất ở đó cao ráo sáng sủa, dân cư không bị ngập chìm tối tăm khổ sở, mọi thứ thịnh vượng tốt tươi. Ngắm xem khắp nước Việt thấy đây là vùng đất có phong cảnh tốt nhất, thực là nơi trọng yếu cho bốn phương hội tụ, là đất kinh sư của kinh sư muôn đời.”

Phải chăng nơi đất lành “thuỷ tụ phong tàng” là gốc cho cư dân bản địa tồn tại và phát triển xây dựng nền tự chủ, tạo nên nền văn hoá riêng? Ở đây chính là văn hoá Đông Sơn, văn hoá Phùng Nguyên rực rỡ, có thể gọi là nền văn hoá sông Hồng Việt Nam.

Hà Nội ngày nay, Đông Đô – Thăng Long – Đại La hội đủ các yếu tố của vùng đất có phong thuỷ thượng thừa, nơi địa linh nhân kiệt. Dẫu qua bao thăng trầm của lịch sử, vượng khí Thăng Long – Hà Nội như một dòng chảy liên tục vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nhìn nhận thực tế cả 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, từ những suy nghĩ và luận định trên theo góc nhìn phong thuỷ, vận dụng vào việc lý giải đồ án “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” để xây dựng Thủ đô của nước Việt Nam XHCN xứng tầm thời đại, xứng với tầm vóc và vị thế của đất ngàn năm văn hiến này; nhận thấy trong đồ án quy hoạch đã công bố để lấy ý kiến góp ý rộng rãi, ngoài những chủ thể bảo tồn và phát triển trung tâm truyền thống (lõi Hà Nội cũ), sắp xếp hệ thống các đô thị vành đai, các mạng lưới giao thông, các vùng cây xanh, cân đối các quan hệ giữa Hà Nội vị thế Thủ đô với các vùng lân cận về phía bắc, phía đông, phía nam… bố cục của đồ án nhấn mạnh hướng phát triển chủ đạo về phía tây hướng núi Ba Vì với các tổ hợp không gian kiến trúc đủ lớn để tạo nên các trung tâm mới về hành chính quốc gia, văn hoá khoa học kỹ thuật và thương mại chính cho một tương lai xa là phù hợp với thực tiễn khách quan, thuận về địa mạch, đáp ứng được lâu dài cho hậu thế… Riêng với trung tâm hành chính quốc gia mới việc xác định vị trí trong bố cục quy hoạch trên tuyến đông tây Hà Nội – Ba Vì phải được xem xét một cách cẩn trọng sao vừa kế thừa được linh tú mỹ tú Thăng Long – Đông Đô xưa của tiền nhân, vừa đáp ứng được yêu cầu hiện tại và tương lai.

2 – Trục Hoàng đạo, trục Thần đạo, trục Tâm linh

Nhìn lại các kinh thành và đô thành cổ xa xưa ở Trung Quốc và Việt Nam, lõi của đô thành là hoàng thành nơi ngự trị của quân vương, được bao bọc bởi các phường dân cư bách nghệ vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ vừa là phên dậu. Hoàng thành được xác lập bởi một trục chính – “Trục chính Hoàng thành” – có hướng bắc nam trùng với hướng sao Bắc đẩu, để khẳng định vị thế của vua ngồi bắc quay mặt về hướng nam trị vì thiên hạ; cũng phù hợp với khí hậu thời tiết vùng trung nguyên Trung Quốc và Bắc bộ Việt Nam. Trên trục chính của Hoàng thành, tổ chức các cung điện chính yếu, hai bên là các cung điện phụ thuộc.

Một số đô thị lớn cũng có bố cục một hoặc hơn một trục chính theo hướng bắc nam, hướng đông tây hoặc hướng về một vị trí đặc thù về cảnh quan trong vùng như núi thiêng, sông mẹ, hồ lớn, thắng cảnh… các trục này được gọi là “điểm nhấn”, “điểm kết”.

Trục chính của một đô thành, trước hết là Trục chính Hoàng thành xưa, trong thư tịch cổ hầu như không thấy được định danh là trục thần đạo, trục hoàng đạo, trục tâm linh; cũng chưa thấy có nghiên cứu nghiêm túc nào đầy đủ về lĩnh vực này được công bố…

Khoảng 15 năm trở lại đây trong các đồ án quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội và một số thành phố khác ở Việt Nam; trong bản thuyết minh đồ án, trong các bài phản biện tại các hội nghị chuyên môn về qui hoạch và cả trên sách, báo, tạp chí chuyên ngành… mới đưa ra thuật ngữ trục thần đạo, trục hoàng đạo, trục tâm linh để chỉ tên gọi trục chính đô thị có một số đặc điểm nhất định, một số ý nghĩa riêng biệt.

Cách gọi này có thể dễ hiểu vì rõ ràng. Nhưng cần phải chú ý để không gây nhầm lẫn hoặc hiểu sai ý riêng của người sử dụng, người đọc. Việc đặt tên riêng cho những trục chính đô thị như Đại lộ Đông Tây, Đại lộ Thăng Long sẽ phù hợp hơn.

Còn việc nhìn nhận và khai thác tính chất truyền thống của trục chính Kinh thành xưa, “Trục chính Hoàng thành” – mà trục đó thường là trục bắc nam hoặc thiên về bắc nam; thì với Thủ đô Hà Nội đó chính là trục chính của kinh thành Thăng Long xưa hiện vẫn còn dấu tích có thể nhận biết qua nền điện Kính Thiên, Cửa Bắc thành, Cột Cờ…Nếu kéo dài về phía bắc sông Hồng trục sẽ di qua thành Cổ Loa, núi Sóc Sơn gắn liền với truyền thuyết An Dương Vương, Phù Đổng Thiên Vương…

Trên đây là một số ý kiến cá nhân chưa đầy đủ, mong được chỉ giáo và bổ cứu.

KTS Vũ Đình Phàm

Ghi chú: tức số 9 hướng nam ở trên, số 1 hướng bắc ở dưới theo số cửu tinh của hậu thiên bát quái

Từ điển Hán Việt – Đào Duy Anh

Từ điển từ và ngữ Việt Nam – GS Nguyễn Lân

Từ điển Nho Phật Đạo – Lao Tử-Thịnh Lê