Câu chuyện “Chuyến đi cuối cùng” và bài học ý nghĩa: Ai cũng có quyền được tôn trọng

Ở một thị trấn nọ có một cặp vợ chồng giàu có. Họ chuẩn bị tổ chức một bữa tiệc cuối năm lớn tại ngôi nhà của mình. Cặp vợ chồng đến một siêu thị lớn để mua sắm. Mọi thứ ở đây đều đắt đỏ và có giá cố định. Họ không phải lo lắng về giá thành mà chỉ muốn duy trì mức sống tiêu chuẩn của mình. Sau khi mua đủ những thứ cần thiết, họ thuê một người công nhân để chở đồ về nhà. Người công nhân này đã già yếu, quần áo rách rưới. Dường như ông ta không đủ sức để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của mình.

Cặp vợ chồng hỏi người công nhân về mức phí để chở hàng về nhà. Người công nhân già đưa ra giá 20$. Mức giá này thấp hơn nhiều so với mức giá giao hàng tại nhà trên thị trường. Tuy nhiên, cặp vợ chồng lại tranh cãi và rồi mặc cả với ông lão. Cuối cùng, họ thỏa thuận với mức giá 15$. Người công nhân khuân vác đồ vì cần kiếm tiền để sống.

Cặp vợ chồng giàu có rất vui vẻ vì đã mặc cả được với người công nhân nghèo. Họ trả cho ông ta 15$ và địa chỉ nhà rồi về trước. Tuy nhiên, sau một giờ, hai giờ trôi qua, người công nhân nghèo vẫn chưa đến nhà để chuyển hàng.

Bà vợ bắt đầu tức giận và la hét với người chồng: “Tôi đã nói không nên tin tưởng người đàn ông đó, nhưng ông không lắng nghe tôi. Người đó ngay cả không đủ sức để kiếm một bữa ăn trong ngày, tại sao lại cho ông ta mọi thứ chúng ta đã chuẩn bị cho bữa tiệc lớn? Tôi chắc chắn ông ta sẽ không đến và ông ta đã biến mất với hàng hóa. Chúng ta nên quay trở lại siêu thị và báo công an”.

Sau đó, cặp vợ chồng quay trở lại siêu thị và gặp một người công nhân khác. Họ hỏi về người công nhân già. Họ nhận ra rằng người công nhân này đang chở hàng của họ trong chiếc xe đẩy. Bà vợ tức giận chất vấn: “Ông già trộm đồ ở đâu? Đây là đồ của chúng tôi và ông ta phải chở chúng đến nhà chúng tôi. Những người nghèo như ông ta chỉ muốn trộm đồ của chúng tôi và bán đi đúng không?”

Người công nhân trả lời: “Thưa bà, hãy bình tĩnh một chút. Người công nhân già bị ốm từ tháng trước. Ông ấy thậm chí không đủ sức để kiếm một bữa ăn duy nhất trong ngày. Ông ấy đang trên đường để giao đồ cho bà, nhưng do yếu đuối và đói, ông ấy không còn sức để đi tiếp. Trước khi ngã xuống, ông ấy đã đưa cho tôi 15$ và để lại những lời cuối cùng: ‘Tôi đã tạm ứng cho chuyến giao hàng này, anh hãy cầm lấy và làm ơn hãy gửi đến địa chỉ này'”.

“Ông già rất đói và nghèo, nhưng ông ấy là người trung thực. Tôi đang trên đường để giúp ông ấy hoàn thành chuyến giao hàng cuối cùng của mình”, người công nhân giải thích. Khi nghe những điều này, người chồng đã bật khóc và bà vợ chỉ cảm thấy xấu hổ và không dám nhìn vào mắt người chồng.

Trung thực không phân biệt tầng lớp. Dù bạn giàu có, tầng lớp trung lưu hay nghèo khổ, tất cả mọi người đều có quyền được tôn trọng bởi sự chân thành của bản thân. Không nên nghi ngờ và phê phán đạo đức của một người chỉ vì sự khác biệt về giàu nghèo, địa vị xã hội. Hãy tôn trọng tất cả mọi người, bất kể tình trạng tài chính hay địa vị của họ, bởi đó là quyền cơ bản của mỗi con người.

Trong cuộc sống, chúng ta thường có thói quen phê phán người khác mà không hiểu rõ họ. Khi nhìn chỉ bề ngoài, chúng ta dễ dàng kết luận và nghi ngờ về đạo đức của họ. Điều này không công bằng và không tôn trọng họ. Hãy đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu họ sâu hơn, và tôn trọng họ vì người biết tôn trọng người khác sẽ nhận được sự tôn trọng và yêu quý từ người khác. Như Mạnh Tử đã từng nói: “Thương người thì người thương lại mình, kính người thì người kính lại mình”. Vậy nên, việc tôn trọng người khác cũng đồng nghĩa với việc tự tôn trọng bản thân.

Mở lòng và chấp nhận người khác, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình trở nên tươi đẹp và ý nghĩa hơn. Hãy đồng lòng để tạo ra những hành động tốt đẹp cho những người xứng đáng nhận được điều tốt đẹp nhất.

Theo Trịnh Thơm