Bé chậm nói vì soi gương sớm?

Trái ngược với nhiều “truyền thuyết” tồn tại từ lâu rằng, bé sẽ chậm nói, chậm mọc răng hoặc tự kỉ nếu nhìn vào gương từ sơ sinh, thực tế lại không có căn cứ khoa học. Ngược lại, nghiên cứu đã chứng minh rằng, sự quan tâm của bé đến gương có thể đóng góp vào sự phát triển trí não của bé.

Nhìn gương và khám phá bản thân

Việc nhìn vào hình ảnh của chính mình trong gương là một hoạt động giải trí thú vị đối với hầu hết các bé. Để bé được trải nghiệm thú vị này, cha mẹ có thể đầu tư cho bé một chiếc gương nhỏ và an toàn làm bằng nhựa dẻo. Một trò chơi hữu ích mà bạn có thể thử với bé là đặt một chiếc gương trước mặt bé khi bé ngồi trong lòng bạn và chỉ cho bé từng bộ phận trên cơ thể bé. Mắt, mũi, đôi bàn tay, cái bụng tròn… hãy chỉ và mô tả cho bé nghe. Chơi với gương giúp bé phát triển khả năng nhận biết khuôn mặt, cải thiện kỹ năng giao tiếp xã hội và tập trung thị giác.

Bé chậm nói vì soi gương sớm?

Hầu hết các bé đều rất thích nhìn vào hình ảnh phản xạ của mình trong gương.

Hình ảnh trong gương và ý thức bản thân

Câu hỏi mà các bậc phụ huynh thường tò mò là liệu bé có biết rằng hình ảnh xuất hiện trong gương là chính mình hay không. Dựa vào phản ứng của bé như cười, hào hứng la hét hay đập vào gương, cha mẹ có thể khẳng định rằng bé thích thú với hình ảnh phản xạ của mình trong gương. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bé chưa hiểu được rằng đó chính là khuôn mặt của mình. Những phản ứng của bé chỉ đơn giản là thể hiện mong muốn giao tiếp xã hội với người trong gương, bởi vì bé sơ sinh luôn thích nhìn khuôn mặt của người khác. Bé chỉ nhận ra rằng hình ảnh trong gương là bản thân mình khi bé đạt từ 20-24 tháng tuổi.

Kiểm tra nhận biết bản thân của bé

Có một mẹo nhỏ mà các nhà khoa học đã sử dụng để kiểm tra khả năng nhận biết bản thân của bé đó là bôi một chút son lên mũi bé khi bé không chú ý, sau đó để bé soi gương. Nếu bé nhận ra bản thân, bé sẽ cố gắng lau son trên mũi của mình bằng tay. Nếu chưa nhận biết, bé sẽ không quan tâm hoặc chỉ chạm vào vết son trên gương bằng tay.

Nhìn vào gương từ bé sơ sinh không gây hại cho sự phát triển của bé. Thực tế, nó giúp bé phát triển trí não, khả năng nhận biết khuôn mặt và kỹ năng xã hội. Hãy tạo cơ hội cho bé khám phá bản thân thông qua việc nhìn gương và khám phá thế giới xung quanh.