Hồi hướng công đức và cách hồi hướng?

Theo luật nhân quả, khi ta làm một việc thiện đều sẽ có phước báo tương ứng trong tương lai. Ví dụ, nếu ta thí thì, ta sẽ được giàu có. Nếu chữa bệnh cho người khác, ta sẽ được phước khỏe mạnh. Nếu phóng sinh, ta sẽ được trường thọ.

Tuy nhiên, nhân quả không chỉ dừng ở mức cơ bản đó. Chúng ta có thể điều khiển phước báo theo hướng mà chúng ta mong muốn thông qua việc hồi hướng. Điều đó có nghĩa là thay vì chỉ nhận được phước báo giàu có như bình thường, ta có thể dùng hồi hướng để chuyển hướng phước báo sang những lĩnh vực khác như khỏi bệnh, thoát nạn, vãng sinh Tịnh Độ, hoặc có những thành tựu trí tuệ.

Không chỉ có khả năng điều khiển phước báo cho chính mình, chúng ta còn có thể hồi hướng cho người khác cùng hưởng. Điều này giống như một món quà vô hình, nhưng lại vô cùng hiệu quả. Nhân quả sẽ chuyển hướng để phước báo trổ ra theo những gì ta đã hồi hướng, có thể nhanh chóng hoặc chậm rãi, nhưng chắc chắn sẽ đạt được thành tựu.

Hồi hướng công đức như thế nào là đúng Pháp?

01

Vậy muốn hồi hướng, chúng ta làm như thế nào?

Hồi hướng thật ra rất đơn giản. Bạn chỉ cần làm bất cứ công đức hay việc thiện gì đó, hoặc trước khi làm, hoặc trong quá trình làm, hoặc sau khi làm, tâm bạn nghĩ đến những kết quả mà bạn muốn từ việc thiện đó. Điều đó chính là hồi hướng.

Để rõ ràng hơn, bạn có thể đọc câu khẫn hồi hướng thành tiếng hoặc thầm trong lòng. Cấu trúc câu hồi hướng luôn như sau: “Con xin hồi hướng công đức …(1) cầu cho …(2) được …(3)”.

Trong đó:

  • “(1)” là công đức hay việc thiện mà bạn đang làm, đã làm hoặc chuẩn bị làm, ví dụ như phóng sinh, bố thí, niệm Phật, tụng kinh và cùng nhiều việc khác.
  • “(2)” là đối tượng được hưởng phước báo, có thể là chính mình hoặc ai đó.
  • “(3)” là kết quả mà bạn mong muốn, chẳng hạn như khỏi bệnh, tiêu nghiệp, thông minh, trí tuệ, vãng sinh Tịnh Độ, hoặc thậm chí là thành Phật để cứu độ chúng sinh.

Bạn có thể hồi hướng cho bản thân, cho người thân hoặc cho người khác, tùy ý bạn chọn. Ví dụ, bạn có thể cầu cho mẹ con tên…, cầu cho những người bệnh này hoặc cầu cho tất cả chúng sinh khắp pháp giới.

Chúng ta có thể hồi hướng phước báo cho nhiều người khác nhau, nhưng hãy nhớ rằng phước báo sẽ chia nhỏ ra. Tuy nhiên, dù là ít hay nhiều, được hưởng phước báo luôn tốt hơn là không được gì.

Còn về việc hồi hướng để cầu điều gì, đó là điều quan trọng nhất và cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Theo Đạo Phật, công đức lành nhất là hồi hướng cho tất cả chúng sinh được thành Phật hoặc được Vãng Sinh Tịnh Độ, thoát khỏi luân hồi.

Ví dụ như kinh Hoa Nghiêm, Bồ Tát Phổ Hiền dạy rằng ta có thể hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh khắp trong hư không pháp giới, cầu cho họ được an lạc và giải thoát, rốt cuộc sẽ thành tựu quả Vô Thượng Bồ Ðề. Đây là một câu hồi hướng hoàn hảo và vĩ đại nhất.

Nếu hiện tại ta không có gì cấp bách, câu hồi hướng này là chuẩn mực mà chúng ta nên áp dụng mỗi khi tạo được bất kỳ công đức nào. Dù đó là hành vi lớn như in kinh, đúc tượng hay nhỏ như bố thí vài hạt gạo cho con kiến, chúng ta hồi hướng với câu hồi hướng trên để phước báo nối nhau qua các kiếp, làm cho trí tuệ và đức hạnh của chúng ta ngày càng trưởng thành, đồng thời gieo duyên với chúng sinh để dần dần hóa độ cho họ tu hành. Cuối cùng, chúng ta cũng sẽ tiến tu cho đến khi thành tựu Phật Quả Vô Thượng và giáo hóa cho vô lượng chúng sinh.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng điều mà ta mong cầu càng lớn, thì càng mất rất nhiều thời gian để thành tựu. Cầu cho tất cả chúng sinh thành Phật là một điều vĩ đại và lớn lao, cần phải trải qua vô biên, vô lượng, vô số và vô cùng kiếp số như cát trong sông Hằng mới đạt được hoàn toàn.

Trong thực tế cuộc sống, có những vấn đề bức bách chúng ta và yêu cầu chúng ta phải giải quyết ngay. Ví dụ, khi ta bị bệnh, người thân bị bệnh, mất việc làm, muốn thay đổi tính cách hay muốn đạt được những mục tiêu của thế gian như khỏe mạnh, giàu có, sắc đẹp, thi đậu, lên lương hoặc lên chức. Trong trường hợp này, ta cần hồi hướng công đức cho một vài người nhất định để giải quyết những vấn đề trước mắt. Vì đơn giản là nếu không giải quyết những vấn đề này, ta vẫn phải sống và buộc phải đối mặt với những bài toán của cuộc sống.

Mặt khác, nếu ta chỉ cầu những mục tiêu của thế gian, dù những mục tiêu đó được đạt đúng như ta mong muốn, ta vẫn sẽ bị mắc kẹt trong vòng luân hồi đầy khổ đau vô tận này.

Vậy, hồi hướng như thế nào để vừa giải quyết được vấn đề trước mắt vừa giúp chúng ta tiến tu giải thoát?

Thực ra, việc này hoàn toàn không khó. Khi ta hồi hướng phước báo cho người khác, ta vẫn cứ cầu cho họ giải quyết được những vấn đề trước mắt như khỏi bệnh, tìm được việc làm, thông minh và trí tuệ. Sau đó, kết thúc bằng câu “cầu cho họ sớm viên thành Phật Quả Vô Thượng, quảng độ chúng sinh”.

Ví dụ, nếu ta bị bệnh, ta có thể đi phóng sinh hoặc làm một công việc phước nào đó tùy theo tình huống, sau đó hồi hướng như sau: “Con xin hồi hướng công đức này, cầu cho con được tiêu trừ nghiệp chướng, bệnh tật mau lành và sớm viên thành Phật Quả Vô Thượng, quảng độ chúng sinh”.

Hoặc ví dụ, ta muốn cho con mình học giỏi và ngoan ngoãn, ta có thể làm một việc phước nào đó tùy hoàn cảnh, như phóng sinh, tụng kinh, niệm Phật, sau đó hồi hướng như sau: “Con xin hồi hướng công đức này… cầu cho con của con [tên con] được thông minh, học giỏi, ngoan ngoãn và sớm viên thành Phật Quả Vô Thượng, quảng độ chúng sinh”.

Hoặc ví dụ, ta muốn chồng mình thay đổi tính cách, từ bỏ thói vũ phu, ham mê cờ bạc và nhậu nhẹt, ta có thể làm một công việc phước nào đó tùy hoàn cảnh, rồi hồi hướng như sau: “Con xin hồi hướng công đức này… cầu cho chồng con sớm thay tâm đổi tính, từ bỏ thói vũ phu, ham mê cờ bạc, nhậu nhẹt, đức hạnh tăng trưởng và sớm viên thành Phật Quả Vô Thượng, quảng độ chúng sinh”.

Như vậy, chúng ta không chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt mà còn đảm bảo sự tiến tu và giáo hóa cho chính bản thân và người khác. Khi ta hồi hướng cầu cho người khác thành tựu những điều tốt đẹp, thì ta cũng sẽ được như vậy. Bất kể hồi hướng như thế nào, người làm phước vẫn sẽ hưởng phần lớn phước báo.

Hoặc đơn giản là ta tạo thật nhiều công đức mỗi ngày. Hôm nay ta hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sinh, ngày mai ta hồi hướng cho người này, người kia ta hồi hướng cho một nhóm khác… Không cần phải lo lắng liệu một người được phước báo hay không.

Trên đây là một sơ lược về cách thức hồi hướng. Tuy nhiên, nhân quả hồi hướng rất phức tạp và cần có trí tuệ siêu việt của Đại Bồ Tát, của chư Phật mới thấu suốt được. Hy vọng chia sẻ này sẽ giúp các bạn tiến bước trên con đường tu tập.